Quỹ đất khan hiếm, giá trị đất tăng cao đang khiến nhiều dự án phát triển tại TP.HCM ưu tiên toàn bộ diện tích cho phát triển nhà ở, gần như bỏ qua yếu tố duy trì mật đô xanh vốn là tiêu chí rất cần được xem trọng trong một không gian sống.

TP.HCM thiếu vắng không gian xanh tại các dự án nhà ở

Là thành phố có tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng dân số cơ học diễn ra rất nhanh, nhưng TP.HCM lại có diện tích cây xanh tăng chậm. Diện tích đất công viên tại khu vực ngoại thành chỉ chiếm tỷ lệ 11,75% toàn thành phố. Thiếu công viên, đồng nghĩa cộng đồng dân cư thiếu nơi vui chơi giải trí, nhất là các vùng ven, vốn đã không có nhiều nơi để vui chơi, thư giãn như các quận trung tâm.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2020-2021, tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh ở các đô thị lớn của Việt Nam tương đối thấp, chỉ đạt khoảng 2m2/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Riêng tại TP.HCM, diện tích cây xanh hiện chỉ có 0,5-1m2/người, đạt khoảng 8% so với chỉ tiêu quy hoạch đô thị từ 6 – 7m2/người. Để đạt được diện tích cây xanh trên đầu người gia tăng, bên cạnh việc thành phố sẽ tăng thêm quỹ đất cho công viên cây xanh, việc phát triển các dự án nhà ở trên địa bàn cũng cần phải dành ra diện tích đất cho mảng xanh.

 

Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, trong nguyên tắc quy hoạch, mỗi công trình phải dành ít nhất 20% diện tích cho cây xanh, nhưng trong tình trạng tấc đất tấc vàng như hiện nay, diện tích này cũng bị xà xẻo. Thiếu cây xanh tưởng như chuyện nhỏ nhưng cư dân thành phố sẽ thấy ngay hiệu quả khi ra khỏi thành phố và hướng về các vùng ngoại ô. Khi đó, người sẽ có cảm giác mát mẻ, thoải mái và cảm nhận rõ tầm quan trọng của cây xanh với quy hoạch đô thị.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhìn nhận, sự thiếu hụt diện tích cây xanh ở một số đô thị lớn tại Việt Nam đã và đang gây hậu quả ngày càng xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Vì vậy, gia tăng diện tích công viên là điều cấp thiết. Vấn đề phát triển nhanh của các đô thị khiến cho hầu hết các nhà đầu tư sao nhãng đi việc phải dành một diện tích đất nhất định để trồng cây xanh, tạo không gian mở. Theo nguyên tác, khi phát triển dự án đông dân cư, mật độ xây dựng chiếm 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hòa, mặt nước… nhưng rất ít dự án tại TP.HCM làm được điều này.

Xu hướng “xanh hóa” cần phải được xem trọng

Việc mở rộng không gian xanh nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhất là sau bối cảnh đại dịch Covid-19, yếu tố không gian xanh chiếm gần 50% yêu cầu khi tìm mua nhà của người dân. Giới chuyên gia cho rằng, muốn phủ xanh đô thị cần có sự quyết tâm của các chủ đầu tư dự án để biến công viên trên bản vẽ thành công viên cây xanh thật. Không để chỉ những khu biệt thự cao cấp mới có mảng xanh mà các dự án nhà ở cao tầng triển khai tại TP.HCM cũng cần đặc biệt chú trọng yếu tố “xanh hóa” không gian sống. Hiện tại thị trường cũng xuất hiện một số chủ đầu tư chọn hi sinh lợi nhuận để mở rộng không gian công viên cho dự án. Các mô hình khu đô thị, khu phức hợp sinh thái này ngày càng nhiều và được thị trường đón nhận.

Mới đây tập đoàn BĐS An Gia cho biết, đang chính thức bắt tay vào cải tạo công viên ngoại khu ngay mặt tiền đường dự án khu phức hợp Westgate khi được UBND huyện Bình Chánh chấp thuận cho chủ đầu tư cải tạo khu vực này thành công viên công cộng. Đây là công viên bán nguyệt rộng khoảng 2 ha, đối diện UBND huyện Bình Chánh và khu phức hợp cao cấp Westgate. Hệ thống công viên này sẽ đảm bảo tỷ lệ cây xanh trên đầu người của khu vực đạt 10m2/người, tương đương khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

 

Không chỉ An Gia, Gamuda Land cũng là đơn vị phát triển dự án dành đến 80% diện tích đất để xây dựng công viên cùng hệ thống tiện ích, kiến tạo môi trường sống trong lành, tiện nghi cho cư dân. Ví dự dự án Celadon City (Tân Phú) của chủ đầu tư này sở hữu không gian xanh rộng trên 82 ha, hệ thống công viên sinh thái có quy mô lên tới 16,4 ha được tích hợp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích phục vụ nhu cầu thường nhật của cư dân và nhiều phân khu đi dạo, chạy bộ, đạp xe, tỷ lệ mặt nước cao với đa dạng sinh thái.

Hay KĐT Mizuki Park của chủ đầu tư Nam Long cũng được triển khai xây dựng với ưu tiên tối đa cho mảng xanh, hệ thống sông ngòi và tiện ích sinh hoạt. Theo đó hơn 70% diện tích của khu đô thị là dành cho mảng xanh, mặt nước và các công trình phục vụ cộng đồng. Bên cạnh 17.000m2 kênh đào trung tâm, Mizuki Park còn phát triển hơn 103.000m2 cây xanh, công viên ven kênh đào, đường đi bộ, tuyến xe đạp dài 2,5km…

Theo ông Dennis Ng, TGĐ Gamuda Land Việt Nam, khi thiết kế tổng quan một dự án nhà ở, việc quy hoạch và vận hành không gian xanh sao cho tận dụng tối đa cả yếu tố nắng, gió, chất lượng không khí đến được từng ngôi nhà là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và sự thoải mái cho cư dân. Phát triển không gian xanh không chỉ dừng ở việc trồng thêm cây mà là xây dựng hệ thống cảnh quan đa dạng sinh thái. Ví như đa dạng thảm thực vật, hệ thống di chuyển từ ngôi nhà đến điểm đi bộ chỉ mất tối đa tầm 15 phút, những con đường đạp xe liên kết các địa điểm đến trong khu đô thị kích thích thói quen, thể dục, chạy bộ hay đi dạo, hệ thống sông hồ giúp điều tiết không khí và còn là nơi vui chơi, tập trung…

Theo: Batdongsan.com.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *